Ngày 24-1-2019, sau 15 năm thực hiện nghị quyết 32 và Kết luận 72, Bộ Chính trị quyết định ban hành nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ45). Đây là nền tảng tư tưởng của Ban chấp hành Trung ương đối với sự phát triển của Hải Phòng với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể; những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thành phố phát huy mọi tiềm năng, lợi thế; là nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất quý báu cho Hải Phòng, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển mạnh mẽ, tăng tốc, bứt phá. Qua 5 năm thực hiện, NQ45 đã thực sự đi vào cuộc sống, là động lực quan trọng để Hải Phòng phấn đấu và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Từ đây, thành phố thêm tự tin, tự hào để vững vàng bước tiếp, hiện thực hóa khát vọng phát triển theo tinh thần NQ45.
Bài 1: Khát vọng vươn lên mạnh mẽ
Với NQ45 của Bộ Chính trị, người dân thành phố Hải Phòng rộn ràng với nhiều dự cảm tốt đẹp, với niềm tin và hy vọng về một tương lai tươi sáng và rực rỡ của thành phố. Nói cách khác, NQ45 thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng.
Những mục tiêu đầy kỳ vọng
Khát vọng, niềm tin của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng hoàn toàn có cơ sở bởi NQ45 đã hoạch định những mục tiêu và con đường đi tới của thành phố Hải Phòng một cách vô cùng cụ thể và rõ nét. Ngay sau khi NQ45 được ban hành, người dân Hải Phòng đã có thể hình dung và nghĩ tới một thành phố Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH- HĐH; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistic; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học- công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng- an ninh được giữ vững.
Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về tổng kết 15 năm thực hiện NQ 32 và ban hành nghị quyết mới để phát triển Hải Phòng tháng 12- 2018 (ảnh: TTXVN)
Trên chặng đường ấy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố thêm vững tin bởi bên cạnh nỗ lực tự thân, phát huy nội lực là chính, Hải Phòng có sự ủng hộ, giúp đỡ thiết thực của Trung ương; sự đồng hành của các tỉnh, thành phố trong vùng, cả nước; các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài...
Đặc biệt, khi chỉ đạo nghiên cứu, ban hành NQ45, cố Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Hải Phòng không phải là riêng của Hải Phòng, là của cả vùng, cả đất nước. Do đó, trách nhiệm của Trung ương là phải hỗ trợ, tiếp sức cho Hải Phòng, đặc biệt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành cơ chế chính sách phù hợp, khơi dậy tiềm năng thế mạnh của thành phố, để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong những năm tới”.
Tinh thần này đã được chuyển hóa vào NQ45, được Bộ Chính trị đề ra 5 nhóm quan điểm, các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn và 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đáng chú ý là xác định nghiên cứu thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho thành phố Hải Phòng, đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn khác trong cả nước; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương, người đứng đầu trong một số lĩnh vực như quản lý quy hoạch, đất đai, quản lý đô thị, đầu tư, tài chính- ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương… Như thế, những vấn đề cốt lõi nhất, những nhân tố quan trọng nhất để phát triển Hải Phòng đã được Trung ương mở lối, tháo gỡ…
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu kiểm tra tiến độ xây dựng các bến số 3, số 4 cảng Lạch Huyện do Công ty CP Cảng Hải Phòng là chủ đầu tư
Triển khai thực hiện NQ45, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng nhận thấy, cơ hội, thuận lợi là cơ bản nhưng thách thức, áp lực cũng rất lớn. Điều đó thể hiện qua những mục tiêu cụ thể đến năm 2025: tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm (GDP) cả nước đạt khoảng 6,4 %; tỷ trọng đóng góp vào GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là 23,7 %; tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2018-2025 tối thiểu là 13%; GRDP bình quân/người đạt 14.740 USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 180.000 đến 190.000 tỷ đồng; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào GRDP từ 44%-45%; cơ bản không còn hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia)…
Đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước đạt 8,2%; đóng góp vào GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ 28,3%; tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026 - 2030 thấp nhất là 12,5%; GRDP bình quân/người đạt 29.900 USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 300.000 - 310.000 tỷ đồng; đóng góp của TFP vào GRDP từ 48% - 50%.Tầm nhìn đến năm 2045,Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Đây là một mục tiêu rất cao nhưng Hải Phòng vững tin sẽ hoàn thành bởi đã có một nền tảng khá vững chắc, một tốc độ phát triển bứt phá trong những năm qua và đặc biệt là sự đổi mới tư duy và hành động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, quyết tâm xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố lớn thứ 3 cả nước, văn minh, hiện đại, một động lực phát triển của cả vùng và cả nước.
Với niềm tin ấy, ngay sau khi có NQ45, một khí thế mới, động lực mới thực sự lan tỏa trên toàn thành phố. Chưa có nghị quyết nào được thành phố triển khai nhanh như vậy. Chưa đầy 24 giờ sau khi cố Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt bút ký NQ45, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã chủ trì các cuộc họp để triển khai nghị quyết tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân với tinh thần quyết liệt, khẩn trương. Trong đó, trọng tâm là công tác tuyên truyền; là các chương trình hành động cụ thể, chi tiết trong từng ngành, từng lĩnh vực, khơi dậy nhiệt huyết, tài năng, sức sáng tạo của mỗi người con đất Cảng Trung dũng- Quyết thắng, nhanh chóng chuyển hóa các nội dung của nghị quyết vào cuộc sống, biến thành nguồn lực thực tế để phát triển Hải Phòng đúng như mong đợi của Trung ương và ước nguyện của người dân thành phố.
Quyết liệt đưa NQ45 vào cuộc sống
NQ45 nêu rõ: xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế. Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Những quan điểm phát triển đó đã được thể chế hóa với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để Hải Phòng thực hiện NQ45. Theo đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35 ngày 13-11- 2021 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp; hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn thành phố); về quản đất đai; quản lý quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Quốc hội cũng có một só nghị quyết bổ sung, phân bổ thêm nguồn lực cho Hải Phòng từ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 108 ngày 26-11- 2019 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ45. Những chủ trương, định hướng lớn NQ45 được NQ 108 thể chế hóa bằng 3 mục đích, yêu cầu; 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, 10 nhóm nội dung công việc với 42 nhiệm vụ cụ thể, phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, sản phẩm và thời gian hoàn thành cho các bộ, ngành, UBND thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 323/QĐ-TTg, ngày 30-3- 2023 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1516/QĐ-TTg, ngày 2-12-2023 phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương cũng tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc trực tiếp ban hành một số chủ trương, cơ chế, chính sách, lồng ghép nhiều nội dung để thực hiện NQ45.
Để thực hiện NQ45, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 76 ngày 8-7-2019, cụ thể hóa thành 15 nhóm giải pháp chủ yếu. Các chủ trương, định hướng của NQ45 cũng là nền tảng để đề ra các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển; các nhiệm vụ và giải pháp lớn tại Nghị quyết Đại hội lần thứ 16 Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025. Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên lồng ghép việc tổ chức thực hiện NQ45 vào các nghị quyết, chương trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hàng năm; vào Kế hoach hành động thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và vào Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
HĐND thành phố thể chế hóa NQ45 và Chương trình hành động số 76 của Thành ủy thông qua 27 nghị quyết chuyên đề về tài chính, ngân sách, khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực, danh mục dự án, công trình trọng điểm, phân bổ vốn đầu tư; các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm.
Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và các ban, sở, ngành trực thuộc Thành ủy đã nghiêm túc, kịp thời xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện NQ45 gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Như vậy, về cơ bản các nội dung của NQ45 đã được Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thành ủy Hải Phòng thể chế hoá và cụ thể hoá. Phần lớn các nghị quyết, các cơ chế, chính sách, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án nhằm thể chế hóa NQ45 đã được ban hành và bố trí nguồn lực tổ chức triển khai nhằm tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố với kỳ vọng, tạo ra xung lực mới để Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH-HĐH, là trung tâm phát triển của vùng, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, xứng tầm châu Á và thế giới./.